Note Đóng lại

Saturday 24 September 2011

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VIỆC THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG GIÁO DỤC Ở NHÀ TRƯỜNG

Năm 1962 của một nhà văn châu Á nổi tiếng đã từng viết: "Chúng ta có thể cùng nhau bàn luận và cũng không dễ thống nhất để tìm xem trên đời này, ai là người vĩ đại nhất, ai là người danh tiếng nhất, ai là người tài giỏi nhất, ai là người uyên bác nhất... Nhưng Hồ Chí Minh dứt khoát là người hoàn toàn nhất, con người giàu chất người nhất trên thế giới này". Con người "giàu chất người nhất trên thế giới này", “hoàn toàn nhất” này chính là con người có tầm mắt đại bàng của tư duy (theo cách nói của Heghen - nhà triết học duy tâm khách quan cổ điển Đức). Có được tầm mắt thiên tài chính là vì nhịp đập của trái tim Hồ Chí Minh gắn liền với vận mệnh đất nước và nỗi niềm của nhân dân.
Một trong những nhận thức thể hiện tầm mắt đại bàng của tư duy là Người đã sớm nhìn thấy bản chất thật sự của nền giáo dục thực dân, chỉ rõ bộ mặt thật của cái gọi là "khai hoá văn minh" của thực dân Pháp: những người đến trường được "đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp", những người không đến trường thì bị đầu độc bằng các thói hư, tật xấu như rượu chè, cờ bạc, thuốc phiện; tố cáo đanh thép nền giáo dục thực dân trong việc "làm cho dân ngu để trị", "gieo rắc một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát". Đồng thời dày công tìm kiếm, phát hiện và giới thiệu cho đất nước những nét tiến bộ mới của nền giáo dục kiểu mới của nhân dân lao động. Đó là nền giáo dục Việt Nam xã hội chủ nghĩa mang tính nhân đạo và tính dân chủ cao cả.
Trong nền giáo dục ấy, việc phát huy cao độ dân chủ trong giáo dục ở nhà trường luôn là tiền đề cần thiết bảo đảm cho sự phát triển toàn diện những năng lực sẵn có của con người; là nền giáo dục mà theo Người “dạy và học cần phải theo nhu cầu của dân tộc, của Nhà nước”[1]. Trong Thư gửi các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới, Báo Nhân dân, số 5299, ngày 16/10/1968, Hồ Chí Minh viết: "Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa".
Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ trong giáo dục ở nhà trường luôn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung và sự nghiệp giáo dục nói riêng của đất nước trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Với quan niệm dân chủ là của quý báo nhất của nhân dânthực hành dân chủ là chìa khóa để giải quyết mọi khó khăn, trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" ở nước ta, hơn bao giờ hết tư tưởng Hồ Chí Minh về việc thực hiện dân chủ trong giáo dục ở nhà trường càng có ý nghĩa thiết thực và mang tính thời sự sâu sắc, vì rằng chỉ có thực hiện và phát huy được dân chủ trong nhà trường mới đảm bảo là cơ sở, nền tảng vững chắc cho việc khơi thông mọi tiềm năng về trí tuệ vốn sẵn có trong mỗi con người Việt Nam, nhất là tầng lớp sinh viên, học sinh để đào tạo ra những con người toàn diện, vừa "hồng" vừa "chuyên", vừa “hiền” vừa “minh”, có tri thức khoa học kỹ thuật- tự nhiên - xã hội, có lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đạo đức, sức khoẻ,...
thể khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về việc thực hiện dân chủ trong giáo dục đã được khởi xướng ngay từ năm 1919, trong bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi đến Hội nghị Véc-xây là: "tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ". Đây là quyền tự do của mọi người được hưởng sự giáo dục không hạn chế, được làm chủ kho tàng tri thức của nhân loại. Trong điều kiện lúc bấy giờ, đó là quyền được tự do học tập, quyền phát triển các loại trường ngoài hệ thống trường công của thực dân Pháp, được mở những loại trường như Đông kinh nghĩa thục ở Hà Nội, như trường Dục Thanh ở Phan Thiết, nơi Hồ Chí Minh đã từng dạy học - là nhằm đào tạo những nhân tài cho đất nước, góp phần mở mang, nâng cao dân trí, chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu.
Trong mỗi giai đoạn cách mạng, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, Hồ Chí Minh đều đặc biệt quan tâm đến giáo dục nói chung và việc phát huy dân chủ trong giáo dục ở nhà trường nói riêng để đào tạo ra nguồn nhân lực, nhân tài phục vụ đất nước. Người là chiến sỹ tiên phong đi vào phong trào quần chúng, thức tĩnh nhân dân, tổ chức, đoàn kết, huấn luyện, đưa nhân dân ra đấu tranh giành tự do độc lập; giải phóng nhân dân thoát khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân phong kiến, thoát khỏi sự ràng buộc của hệ tư tưởng lạc hậu, tạo mọi điều kiện cho mỗi dân tộc và mỗi người dân đứng lên làm chủ nền văn hóa, làm chủ vận mệnh và tương lai của mình trong nền giáo dục mới mà Người đã dày công vun đắp.
Trong nền giáo dục kiểu mới ấy, Hồ Chí Minh yêu cầu phải xem “giáo dục là sự nghiệp của quần chúng”. Một trong những mục tiêu cao nhất của nền giáo dục mới, nền giáo dục cách mạng Việt Nam là "đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam ... làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em"[2], trang bị cho mỗi người dân có kiến thức mới để "biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc"[3]. Để làm được điều đó, Người yêu cầu “phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa” vì theo Người, chỉ có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả sinh viên, học sinh đề ra sáng kiến. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, các ngành các cấp, các đoàn thể quần chúng và toàn xã hội phải thật sự quan tâm đến công tác giáo dục, tạo điều kiện giúp đỡ các trường về mọi mặt, riêng nhà trường “phải thật sự mở rộng dân chủ trong cơ quan”[4], phải phát huy cao độ dân chủ trong giáo dục, tạo nên sự đoàn kết nhất trí giữa thầy với thầy, thầy với trò, trò với trò, tạo ra mối quan hệ mật thiết giữa nhà trường - gia đình - xã hội cùng cộng đồng trách nhiệm để phát triển giáo dục, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới. Trong Bài nói tại Hội nghị cán bộ Đảng ngành Giáo dục (từ ngày 3 đến 8/6/1957, tại Hà Nội), Hồ Chí Minh nói: “giáo dục trong nhà trường dù có tốt mấy nhưng thiếu Giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không thu được hoàn toàn”.
Trong khuôn khổ giáo dục ở nhà trường, việc thực hành dân chủ là một đòi hỏi hết sức bức thiết, theo đó, Người yêu cầu những người làm công tác quản lý giáo dục phải nhận thức đúng tầm quan trọng của dân chủ trong giáo dục, xác định giáo dục là sự nghiệp của quần chúng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân; chủ trương của Nhà trường phải cụ thể, thiết thực, đúng đắn; phải kết hợp chặt chẽ chủ trương, chính sách của Nhà nước với tình hình thực tế và kinh nghiệm quý báu, phong phú của quần chúng, của cán bộ và của địa phương.
Để việc thực hiện dân chủ trong giáo dục ở nhà trường phát huy được hiệu quả, theo Hồ Chí Minh yếu tố cần thiết đầu tiên là phải đào tạo và xây dựng đội ngũ những người làm công tác giáo dục, đặc biệt là các cô giáo, thầy giáo - những người vẻ vang nhất, những anh hùng vô danh, người kỹ sư tâm hồn, vì theo Người, “không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Để xứng đáng với danh hiệu ấy, Người cho rằng “mỗi người thầy giáo phải không ngừng học tập trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức cách mạng của nhà giáo, thực sự vừa "hồng" vừa "chuyên", "phải tiến bộ cho kịp thời đại thì mới làm được nhiện vụ, chớ tự mãn cho mình giỏi rồi thì dừng lại mà dừng lại là lùi bước, là lạc hậu, tự đào thải mình trước. Phải cố gắng học tập để cải tạo mình, cải tạo con em, cải tạo xã hội”, phải thật sự yêu nghề, yêu trường. Quán triệt quan điểm của Mác - Lênin: "bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục", Hồ Chí Minh cho rằng: "người huấn luyện phải học tập mãi thì mới làm tốt được công việc của mình - người huấn luyện nào tự cho mình là biết đủ cả rồi thì người đó là dốt nhất". Ngoài việc nhắc nhở về học tập chuyên môn, Người cũng lưu ý một vấn đề hết sức quan trọng đó là học tập chính trị, vì "có học tập lý luận Mác - Lênin thì mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết về trình độ chính trị mới làm nòng cốt công tác Đảng giao phó". Mặt khác, Người cho rằng bản thân người thầy cũng phải học tập chính từ thực tiễn sinh động. Người nhắc lại câu "giáo bất nhiêm, sư chi toạ", tức là dạy không nghiêm túc, không đến nơi đến chốn là do thầy lười nhác. Vì vậy, để nâng cao chất lượng của hoạt động giảng dạy bản thân mỗi người thầy giáo phải không ngừng rèn luyện trong thực tiễn sinh động của xã hội, tiếp thu lấy chất lượng sống ở đó mà truyền lại cho thế hệ trẻ: thầy giáo và học trò, tuỳ hoàn cảnh và khả năng cần tham gia vào những công tác xã hội ích nước lợi dân, Những kiến thức thực tiễn đó mới thật là dòng sữa ngọt lành nuôi dưỡng thế hệ đang lớn lên.
Mặt khác, để nâng cao trình độ nhận thức của người học, Hồ Chí Minh cho rằng thầy cô giáo phải có quan điểm dân chủ, thẳng thắn, không nhồi sọ, áp đặt và cần tạo môi trường, điều kiện để người dạy và người học có sự đối thoại, trao đổi trong quá trình giảng dạy, học tập. Người chỉ rõ “chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý”[5], “được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng cũng vậy", và nhấn mạnh “trong trường, cần có dân chủ. Đối với mọi vấn đề, thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì chưa thông suốt, thì hỏi, bàn cho thông suốt”[6] và "khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý". Một cách cụ thể hơn, Hồ Chí Minh kêu gọi giảng viên phải biết tôn trọng ý kiến của đồng nghiệp, của sinh viên, không nên có thành kiến đối với các ý kiến trái với ý kiến của mình, phải "nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng","phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại như: thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân, học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ. Và cần xây dựng tư tưởng dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân".
 Trong mối tương quan giữa người dạy và người học, xét ở góc độ tác động của người dạy đến người học, thì một giảng viên giỏi là một giảng viên biết hướng dẫn sinh viên đi tìm chân lý vì vốn dĩ theo Hồ Chí Minh, “lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính chất sáng tạo”. Để làm được điều này, điều cần thiết là phải thật sự tạo ra được một môi trường học tập thật dân chủ, trong môi trường này thầy và trò cùng nhau thảo luận, đối thoại, ở đó không khí thoải mái, hăng hái sẽ được tạo ra, sinh viên có nhiều cơ hội để thể hiện, phát huy năng lực của mình và đích đến của nó là sự sáng tạo như lời Người đã nói: dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều”. Từ đó, Người yêu cầu: giảng viên cần phải nâng cao mở rộng dân chủ ra, khuyên gắng sinh viên, bày cho họ suy nghĩ, cổ động họ tìm tòi, đề nghị,.... Khi họ đã có ít nhiều sáng kiến, thì giúp đỡ cho họ phát triển, khen ngợi cho họ thêm hăng hái. Như thế, thì những tính lười, tính “gặp chăng hay chớ” ngày càng bớt, mà sáng kiến và tính hăng hái ngày càng nhiều thêm.
Tuy nhiên, để dân chủ trong giáo dục ở nhà trường được hoàn bị, Hồ Chí Minh yêu cầu “dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò, chứ không phải là “cá đối bằng đầu”, trong trao đổi, đối thoại phải trên tinh thần nghiêm túc, công khai, khách quan, phản ánh sự vật, hiện tượng đúng với thực tiễn xảy ra, “không được nói gàn, nói vòng quanh”,… Đó là những yêu cầu có tính nguyên tắc trong đối thoại. Cụ thể như việc đọc tài liệu, Người yêu cầu “phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề không thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẻ” cũng như đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi "vì sao?", đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn".
Như vậy, mặc dù đề cao và yêu cầu phải dân chủ, phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng, Hồ Chí Minh cũng khẳng định không thể có dân chủ quá trớn hay tùy tiện, dân chủ phải gắn liền với pháp luật, tự do phải gắn liền với kỷ cương. Về mối quan hệ này, Người nói: “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khóa, cái cửa để đề phòng kẻ phá hoại, nếu hòm không có khóa, nhà không có cửa thì sẽ mất cắp hết. Cho nên có cửa phải có khóa, có nhà phải có cửa. Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ gìn lấy dân chủ”[7]"không nên hiểu lầm dân chủ. Khi chưa quyết định thì tha hồ bàn cãi. Nhưng khi đã quyết định rồi thì không được bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ là để bàn cách thi hành cho được, cho nhanh, không phải để đề nghị không thực hiện. Phải cấm chỉ những hành động tự do quá trớn ấy"[8].
Ngoài ra, việc thực hiện dân chủ trong giáo dục ở nhà trường, ngoài những yêu cầu về người thầy, cũng như sự tương tác giữa người dạy và người học, Hồ Chí Minh cũng đặc biệt quan tâm đến sự tương tác giữa người học đối với người dạy như nêu ra những yêu cầu về phía người học: “Chúng ta là những người lao động làm chủ nước nhà. Muốn làm chủ được tốt, phải có năng lực làm chủ. Chúng ta học tập chính là để có đủ năng lực làm chủ, có đủ năng lực tổ chức cuộc sống mới... Bởi vậy, ý thức làm chủ không phải chỉ tỏ rõ ở tinh thần hăng hái lao động, mà còn phải tỏ rõ ở tinh thần say mê học tập để không ngừng nâng cao năng lực làm chủ của mình”[9]; “con người xã hội chủ nghĩa” - con người toàn diện, “nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hoá, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Mác - Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày”. Như vậy, theo Hồ Chí Minh, để việc thực hiện dân chủ trong giáo dục ở nhà trường đạt hiệu quả, bản thân sinh viên, học sinh phải xác định được ý thức làm chủ, ra sức học tập, nghiên cứu, phát huy tinh thần tự học để xứng đáng là người chủ tương lai của đất nước, người chủ của chính cuộc sống của mình.
Trên đây là nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về việc thực hiện dân chủ trong giáo dục ở nhà trường, xuất phát từ quan niệm của Người: “xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải ngày càng tiến”, hơn bao giờ hết, trong giai đoạn đổi mới và phát triển hiện nay của đất nước, tư tưởng đó của Người luôn soi sáng sự nghiệp trồng người ở Việt Nam, nó không chỉ là cơ sở lý luận cho việc xác định chiến lược đào tạo con người, chủ trương, đường lối chỉ đạo phát triển nền giáo dục Việt Nam của Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng, mà còn là những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn giáo dục hết sức sinh động, thiết thực và hiệu quả đối với người làm công tác giáo dục nói riêng, ngành giáo dục nói chung hiện nay. Bài học này nhắc chúng ta luôn quán triệt rằng một nền giáo dục mới nhất thiết phải thực hiện tốt dân chủ mới; một nhà trường phát triễn vững mạnh nhất thiết phải có dân chủ và thực hiện tốt dân chủ trong hoạt động giáo dục. Dân chủ đó nhất thiết phải gắn liền kỷ cương, vì thế song song với việc phát huy dân chủ cần nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm hoặc mất dân chủ trong hoạt động giáo dục bằng những chế tài nhất định. Đó là tiền đề, là cơ sở cho mọi năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng xứng đáng là một nền giáo dục mới Việt Nam mà “con mắt đại bàng của tư duy” của Hồ Chí Minh đã phát hiện và dày công vun đắp.
Tác giả: Ths. Nguyễn Hoài Đông
Đơn vị công tác: Khoa Khoa học cơ bản - trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh



[1] Trong bài Nói chuyện tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc, ngày 23/03/1956, Báo Nhân dân, số 753, ngày 26/03/1956
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t 4, tr 32
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t 8, tr 494
[4] Trong bài Nhiệm vụ của chi bộ ở các cơ quan, Báo Nhân dân, số 176, từ ngày 6 đến 10/4/1954, t.7, tr.269
[5] Trong Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học nhân dân Việt Nam, ngày 21/7/1956
[6] Trong Bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 19/1/1955
[7] Trong Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa II trường Đại học nhân dân Việt Nam, ngày 8/12/1956
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t 6, tr 108
[9] Trong bài Học tập không mỏi, cải tiến không ngừng, Báo Nhân dân, số 2187, ngày 14/3/1960

0 nhận xét:

Post a Comment

* Lưu ý :
- Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu khi viết bình luận.
- Nội dung phải liên quan đến chủ đề bài viết.
- Không dùng lời lẽ khích bác, thô tục ảnh hưởng đến người khác.
- Không đặt link đến Blog/Web khác.
- Nguyễn Hoài Đông trân trọng chúc quý khách sức khỏe và niềm vui!